Kỹ thuật hóa học là một trong những ngành đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Không chỉ tạo ra các sản phẩm quan trọng từ nguyên liệu thô, mà còn giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới. Vậy ngành kỹ thuật hóa học ra làm gì và công nghệ kỹ thuật hoá học có dễ xin việc không? Hãy cùng Glints tìm hiểu thêm về ngành này.
Ngành Kỹ thuật hoá học là gì?
Kỹ thuật hóa học là một lĩnh vực khoa học và công nghệ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những kiến thức hóa học vào quá trình sản xuất sản phẩm giúp cải thiện cuộc sống và phục vụ công nghiệp. Có nhiều lĩnh vực sản xuất phổ biến liên quan đến kỹ thuật hóa học như nhựa, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, giấy, sơn, thủy tinh, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, lương thực, thực phẩm, điện hóa, dệt đan, và da.
Kỹ thuật hoá học học những gì?
Những kiến thức trong ngành kỹ thuật hoá học được hướng tới mục tiêu kết hợp học và thực hành. Sinh viên học ngành này sẽ được trang bị kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về các mảng như thí nghiệm hoá hữu cơ, hoá phân tích, tin học trong hoá học hữu cơ, động học xúc tác, hoá học vật liệu, công nghệ điện hoá, và nhiều phương pháp phân tích khác. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ có cơ hội thực hành tại các phòng thí nghiệm và làm quen với các thiết bị và công cụ chuyên môn.
Ngành Kỹ thuật hoá học ra làm gì?
Có nhiều cơ hội nghề nghiệp khi theo học ngành kỹ thuật hoá học. Một số công việc phổ biến bao gồm:
- Kỹ sư công nghệ và quản lý điều hành tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, và xí nghiệp.
- Kỹ sư thiết kế và vận hành nhà máy lọc dầu, hóa chất, nhựa, sản xuất thuốc, thảo dược, và thiết bị sản xuất thuốc.
- Kỹ sư thiết kế cho các tập đoàn kinh tế, công nghiệp quốc gia, tư nhân, đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không, hóa chất, xăng dầu, dược phẩm.
- Kỹ sư vận hành tại nhà máy, khu công nghiệp, tập đoàn về dầu khí, môi trường.
- Kỹ sư phân tích và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu – phát minh.
- Kỹ sư công nghệ tại các tập đoàn và công ty trong lĩnh vực sản xuất linh kiện và vật liệu mới như Polymer, điện tử, vật liệu siêu bền, và năng lượng.
- Giảng dạy, nghiên cứu hoặc làm nhân viên phòng thí nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
- Kỹ thuật viên phân tích hay chuyên viên nghiên cứu tại các Viện hóa học, Viện vật liệu, mỹ phẩm.
Công nghệ kỹ thuật hoá học có dễ xin việc không?
Ngành kỹ thuật hóa học có vai trò to lớn trong công nghiệp hiện đại và lịch sử lâu đời của nó. Nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ và sự phát triển trong các lĩnh vực như lọc dầu, hóa dược, hóa vô cơ, phân bón, hóa chất tiêu dùng, thực phẩm, xi măng, tạo ra cơ hội việc làm rộng mở cho ngành này. Mức lương cũng khá cao, dao động từ 8 triệu – 12 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường và có thể lên đến 15 triệu/tháng khi có kinh nghiệm. Ngành kỹ thuật hoá học mang lại thu nhập hấp dẫn dù bạn làm việc ở bất kỳ vị trí nào.
Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật hoá học
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật Hóa học. Một số trường đáng chú ý bao gồm:
- Khu vực miền Bắc: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Việt Trì.
- Khu vực miền Trung: Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Nha Trang, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp Vinh.
- Khu vực miền Nam: Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học An Giang, Đại học Lạc Hồng, Đại học Trà Vinh, Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Nam Cần Thơ.
Ngành kỹ thuật hoá học mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và thu nhập hấp dẫn. Nếu bạn đam mê hóa học và đam mê nghiên cứu, đây là ngành học phù hợp với bạn. Hãy theo dõi Glints để biết thêm thông tin hữu ích về ngành này!